Một trong số những người lập nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương Lương Tài là chị Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1990, thôn Nhất Trai, xã Minh Tân) với mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, chị Trâm lựa chọn về quê khởi nghiệp.
Đến với cây măng tây từ năm 2012 khi vốn, kỹ thuật còn hạn chế, bằng sự quyết tâm, tìm tòi, học hỏi, đặc biệt sự động viên về tinh thần, hỗ trợ về mặt kỹ thuật của chồng là anh Nguyễn Đình Hải (kỹ sư Đại học Bách khoa), chị đã nghiên cứu, phát triển thành công giống măng tây xanh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (ảnh: ĐVCC) |
Sản phẩm măng tây dần được nhiều người ưa chuộng, hình thành nên thương hiệu, năm 2014, chị thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong và nhận thầu khu đất rộng gần 5ha tại địa phương để xây dựng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 2ha trồng măng tây xanh, gần 2,5ha còn lại trồng luân canh các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ. Chị Trâm cho biết: “Nhận thấy nông nghiệp công nghệ cao đã biến rất nhiều điều không thể thành có thể. Vì thế, tôi nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng trồng các loại nông sản khác như: Dưa baby, cà chua, cải bẹ, rau muống thuỷ canh, cần tây ép nước… Với nhiều ưu điểm vượt trội, việc trồng rau, củ, quả trong nhà màng cho sản lượng cao gấp nhiều lần so với trồng thông thường vì tránh được sự khắc nghiệt của thời tiết, tránh được côn trùng, giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất lại luôn tơi xốp,… Năm 2018, công ty được cấp giấy chứng nhận là vùng sản xuất rau an toàn”.
Nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, giảm ngày công lao động, công ty đưa các thiết bị cơ giới hóa (máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới) vào sản xuất. Từ khâu làm đất đến sơ chế vận chuyển đều theo quy trình khép kín. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mang lại sản lượng, chất lượng cao. Hiện, các nông sản của công ty chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Bắc Ninh. Ngoài ra, chị Trâm còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và được nhiều người biết đến, đăng ký mua trực tiếp qua tài khoản trên internet. Từ đó doanh thu của công ty tăng trưởng vượt bậc, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Chung chí hướng khởi nghiệp tại quê nhà, anh Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1989, thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong) chọn nghề cơ khí để lập thân, lập nghiệp. Xin vào làm ở xưởng cơ khí gần nhà ngay sau khi tốt nghiệp THPT, nhờ chăm chỉ, anh Tiến nhanh chóng nắm được hầu hết các kỹ thuật cơ bản, được nhận vào làm cơ khí xây dựng hệ thống nhà xưởng cho các công ty tại Khu công nghiệp Yên Phong với nhiều vị trí công việc khác nhau. Bằng ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, năm 2015, với số vốn 500 triệu đồng, anh Tiến thuê đất, đứng ra mở xưởng sản xuất các sản phẩm cơ khí, chuyên thi công, lắp đặt các công trình kết cấu nhà xưởng, hoàn thiện hệ thống nội thất các công trình công nghiệp và thành lập Công ty TNHH Xây dựng T&T Bắc Ninh. Sau 9 năm lập nghiệp, đến nay, mỗi năm công ty của anh Tiến cho doanh thu đạt từ 4 đến 5 tỷ đồng; xưởng cơ khí của anh tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động là đoàn viên, thanh niên tại địa phương với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Xây dựng T&T Bắc Ninh của anh Nguyễn Hữu Tiến (huyện Yên Phong) tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương (nguồn ảnh: Báo Bắc Ninh). |
Câu chuyện khởi nghiệp thành công tại chính quê hương của chị Nguyễn Thị Trâm và anh Nguyễn Hữu Tiến là những minh chứng điển hình, trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh. Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2022 - 2027 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” với 198 dự án thanh niên được vay vốn với số dư nợ hơn 150 tỷ đồng; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp với chuyên đề: “Các xu hướng khởi nghiệp dành cho giới trẻ”, “Bí quyết khởi nghiệp thành công”, “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác”; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ đạt nhiều kết quả tích cực.
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; kết nối thanh niên đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ Đoàn sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” và tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu để nhân rộng, truyền cảm hứng cho thanh niên làm giàu.